Cách điều trị đau thắt lưng

I. ĐẠI CƯƠNG

Vùng thắt lưng được giới hạn trên bởi bờ dưới xương sườn 12, hai bên bởi khối cơ thẳng cạnh cột sống và phía dưới là xương châu. ĐTL là một hội chứng rất thường gặp. Tỉ lệ ĐTL nói chung xảy ra trong cuộc đời chiếm 60 - 90% dân số. Ở Việt Nam ĐTL chiếm 2% trong nhân dân và lên tới 17% ở những người trên 60 tuổi.

Nhờ những phương pháp chẩn đoán hiện đại Scanner, cộng hưởng từ hạt nhân...) việc xác định nguyên nhân ĐTL, điều trị và phòng bệnh đã có nhiều tiến bộ. Nguyên nhân ĐTL rất phong phú và đa dạng. Đại đa số các trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Chỉ có 10% các trường hợp là tìm thấy căn nguyên bệnh. Các nguyên nhân thường gặp là tổn thương cột sống thắt lưng (trạng thái căng cột sống và tư thế xấu, thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa đĩa đệm, viêm đốt sống do nhiễm khuẩn, di căn ung thư...) và các nguyên nhân khác trong ổ bụng gây đau thắt lưng (loét dạ dày tá tràng, bệnh lí gan mật, thận tiết niệu, sinh dục...).

Đại cương đau thắt lưng (ĐTL)

Đau thắt lưng thường là hậu quả của tư thế đứng và ngồi sai lệch lâu ngày trong sinh hoạt và làm việc. Khi đó trọng lượng của cơ thể tạo lực nén lệch trên các đốt xương sống và gây sức căng kéo quá nhiều trên đĩa đệm, khớp đốt sống, dây chằng và các bắp cơ xung quanh.

Theo diễn biến của bệnh, có 3 thể lâm sàng ĐTL: Cấp, bán cấp, và mạn tính. Trong đó đau thần kinh tọa được xếp vào nhóm bán cấp. Nguyên nhân của đau thần kinh tọa chủ yếu là do thoát vị đìa đệm (90%).

II. ĐIỀU TRỊ ĐAU THẮT LƯNG

1. Nguyên tắc

- Luôn luôn cố gắng phát hiện được nguyên nhân của bệnh để điều trị. Nếu ĐTL do các nguyên nhân trong ổ bụng thì điều trị nguyên nhân gây bệnh đồng thời sẽ chữa khỏi được ĐTL. Đối với các nguyên nhân tổn thương thực thể ở cột sống (chấn thương, dị dạng, viêm đốt sống đĩa đệm, u đốt sống nguyên phát hay thứ phát...) thì các biện pháp nội hay ngoại khoa thích hợp là rất cần thiết.

- Điều trị ĐTL chủ yếu là nội khoa bảo tồn. Cần vận dụng linh hoạt các biện pháp nghỉ ngơi, dùng thuốc, tâm lí, vật lí trị liệu và phục hồi chức năng.

- Phẫu thuật chỉ có chỉ định trong một số rất ít các trường hợp.

2. Điều trị nội khoa

2.1 Nghỉ ngơi

Bệnh nhân cần nghỉ ngơi và bất động khi đau nhiều. Chỉ cần 2 - 7 ngày nghỉ ngơi tại giường và dùng một vài thuốc giảm đau thông thường thì đã giải quyết được đa số các trường hợp ĐTL cấp. Bệnh nhân cần nằm trên giường phẳng và cứng. Nếu đau nhiều có thể nằm co chân lại hay nằm sấp. Khi có nguy cơ lún và di lệch cột sống (lao, viêm, ung thư...) có thể cố định bằng bột, đai nẹp, yếm, áo chỉnh hình thắt lưng.

2.2 Vận động

Chỉ định khi giai đoạn ĐTL cấp đã qua. Vận động, tập thể dục đều đặn giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường. Để tránh tải trọng quá mức trên cột sống bệnh nhân có thể đeo đai lưng. Thể dục liệu pháp và bơi đặc biệt cần thiết với bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp hay hư cột sống ở mức độ nhẹ.

2.3 Vật lí trị liệu

Có tác dụng tốt trong nhiều trường hợp, tuy nhiên không có chỉ định trong các trường hợp ĐTL do nhiễm khuẩn, ung thư, loãng xương.

Có thể dùng các biện pháp sau:

- Chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn, từ trường, điện dẫn thuốc...

- Xoa bóp, châm cứu ấn huyệt

- Thao tác cột sống: Làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Có kết quả tốt khi tiến hành trong 1 - 3 tuần đầu đau thắt lưng. Mỗi đợt làm 2 - 5 lần. Chống chỉ định khi nghi có viêm, ung thư, loãng xương nặng.

- Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm.

- Liệu pháp tắm cát, tắm bùn và đắp bùn, tắm nhiệt, tắm suối khoáng, liệu pháp biển (điều trị bằng nước biển, bùn biển, rêu và khí hậu biển).

2.4 Thuốc

- Các thuốc giảm đau rất đa dạng: Aspirin, paracetamol, Efferalgan codein, Di-antalvic...

- Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid: Diclofenac, pyroxicam, meloxicam... Có thể dùng dạng thuốc bôi ngoài da như các loại gel chứa diclofenac, nifluril, pyroxicam hoặc mật gấu, cồn xoa bóp, cao xoa các loại...

- Nếu có co cứng có thể dùng một trong các thuốc giãn cơ như Decontractyl, Mydocalm, Myonal, Coltramyl...

- Trong một số các trường hợp có thể tiêm ngoài màng cứng (chủ yêu với đau thần kinh tọa) hoặc tiêm cạnh cột sống corticoid. Khi có hư đĩa đệm nặng có thể tiêm thuốc làm tiêu đĩa đệm bằng chymopapain (có kết quả tốt trong 75% cúc trường hợp, tương đương phẫu thuật cắt cung sau hay cắt bỏ đĩa đệm).

- Một số trường hợp đặc biệt có thể có chỉ định dùng corticoid đường toàn thân với liều cao (có thể đạt tới 50 - 60mg prednisolon/ngày trong 4 - 5 ngày).

3. Điều trị ngoại khoa

Cần được cân nhắc kĩ trước khi phẫu thuật. Chỉ định ngoại khoa hạn chế trong một số trường hợp.

- Các bệnh gây chèn ép tủy, đuôi ngựa (lao, viêm mủ, chân thương...) có các triệu chứng rối loạn trực tràng, bàng quang. Trong trường hợp này cần mổ cấp cứu để giải phóng ép.

- Phẫu thuật làm cứng, cố định khi có nguy cơ lún đốt sống, gù vẹo nhiều, ĐTL mạn tính.

- Phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm: Mổ cắt cung sau, mổ lấy nhân thoát vị.

Điều trị đau thắt lưng (ĐTL)

III. PHÒNG BỆNH

Đối với ĐTL do nghề nghiệp thì cần cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế các sang chấn về tinh thần, chấn thương do lao động.

Mặt khác cần duy trì chế độ tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao thể lực.

Bảo đảm tư thế đúng khi đứng, ngồi, mang vác hay nhấc vật nặng có ý nghĩa rất quan trọng. Cần đứng trên tư thế thẳng, không rũ vai, gù lưng. Để tránh khom lưng khi ngồi đọc và viết lâu nên ngồi gần bàn viết, ghế ngồi không quá cao hoặc bàn viết không nên quá thấp. Nếu phải ngồi lâu nên thường xuyên đứng lên và làm các động tác thể dục giữa giờ. Khi ngồi trên ghế bảo đảm góc của khớp háng bằng với góc đầu gối, bàn chân đặt phẳng trên sàn nhà và khung xương chậu tựa vào sàn ghế để giữ cho phần cơ thể từ hông trở lên được thẳng. Khi mang vác vật nặng hãy để cho sức nặng của vật chia đều cả hai bên cơ thể. Không bao giờ mang vật nặng ở một bên người. Tránh mang nặng trong thời gian dài. Khi muốn nhấc một vật nặng lên nên co đùi, gập gối, đôi chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng. Nên đứng lên bằng cách thẳng hai chân. Không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc vật nặng. Lau chùi nhà cửa cũng sẽ dễ dàng và thoải mái hơn nếu tựa trên hai tay và đầu gối.

Vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lí, giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lí (có thể là những yếu tố gây ĐTL và làm trầm trọng bệnh).

Viết bình luận