Cách điều trị viêm quanh khớp vai (VQKV)

I. ĐẠI CƯƠNG

Là bệnh lí của các cấu trúc cạnh khớp (gân, túi thanh mạc, bao khớp) mà không có tổn thương ở chính khớp vai, có biểu hiện lâm sàng là đau và hạn chế vận động khớp vai. Để xác định chẩn đoán, đặc biệt là xác định các tổn thương thực thể của phần mềm quanh khớp vai ngoài các dấu hiệu lâm sàng, cần tiến hành chụp siêu âm (với đầu dò ≥ 7,5m Htz) vùng khớp vai. Trong một số trường hợp cần chụp khớp vai cản quang hay cộng hưởng từ hạt nhân để phát hiện đứt gân, co thắt bao khớp.

Đại cương viêm quanh khớp vai (VQKV)

VQKV có 4 thể chính:

- VQKV đơn thuần (đau vai đơn thuần): Có bản chất là viêm gân cơ trên gai, một trong các gân quay ngắn hay gân của bó dài cơ nhị đầu. Xuất hiện thường sau 40 tuổi, không có nguyên nhân chính xác, hay sau lạnh, vận động mạnh. Khám thấy có điểm đau chói dưới mỏm cùng vai hoặc ngay phía trước mỏm cùng vai (tương ứng với vị trí gân tổn thương). Bệnh khỏi tự nhiên sau vài tuần đến vài tháng, có thể tái phát. Tiến triển có thể dẫn đến đứt mũ các gân quay ngắn. Trong một số trường hợp đau vùng khớp vai do các bệnh lí ở ngoài khớp vai gây nên đau do phản xạ (ung thư vú, u phổi, nhồi máu cơ tim...), cần chú ý tìm để điều trị kịp thời.

- VQKV do đứt gân (đau vai giả liệt): Ở người trẻ tuổi thường xảy ra do đứt rách mũ gân cơ quay khớp vai sau tập thể thao, một chấn thương hoặc gắng sức. Ở người sau 50 tuổi thường xảy ra đứt gân bó dài cơ nhị đầu, sau một vận động sai tư thế, chấn thương hoặc gắng sức trên cơ sở một mũ gân cơ quay đã bị thoái hóa.

- VQKV cấp (đau vai cấp): Có tổn thương giải phẫu bệnh là viêm bao thanh dịch dưới cơ delta do các hạt calci hóa gân cơ di chuyển và vỡ vào túi thanh dịch. Bệnh có thể khỏi tự nhiên sau vài ngày hoặc vài tuần, tuy nhiên trong nhiều trường hợp vẫn phải điều trị nội khoa.

- VQKV thể nghẹn tắc (Cứng khớp vai, đau do loạn dưỡng khớp vai, hội chứng vai tay): Là triệu chứng của viêm co thắt bao khớp dày cứng dẫn đến giảm vận động khớp ổ chảo - xương cánh tay. Nguyên nhân do rối loạn thần kinh dinh dưỡng lan tỏa của bao khớp, xương, cơ, mạch máu và da tạo nên bệnh cảnh đau do loạn dưỡng thần kinh phản xạ ở chi trên. Về lâm sàng khởi đầu có đau vai theo kiểu cơ học, sau đó hạn chế vận động chủ động và thụ động khớp vai ở mọi động tác, chủ yếu là dạng và xoay ngoài.

II. ĐIỀU TRỊ

1. Các phương pháp điều trị

- Điều trị nội khoa: Dùng các thuốc giảm đau, chống viêm, giảm đau không steroid, corticoid, thuốc chống co thắt cơ. Phong bế và tiêm thuốc tại chỗ: Novocain, hydrocortison. Cắt đứt phản xạ bằng phong bế giao cảm cổ, châm cứu theo các huyệt.

- Điều trị ngoại khoa: Tùy từng thể bệnh có thể phẫu thuật nới rộng khe dưới mỏm cùng vai bằng cách tạo hình mỏm cùng vai, cắt dây chằng cùng vai - quạ, sửa lại mũ gân cơ quay, khâu lại gân đứt.

- Vật lí trị liệu và phục hồi chức năng: Dùng các phương pháp vật lí như chườm nóng, chạy tia hồng ngoại, sóng ngắn, kích thích điện. Xoa bóp, kéo giãn và luyện lập. rất quan trọng để điều trị viêm quanh khớp vai.

2. Điều trị từng thể

2.1 Thể đơn thuần

- Trong đợt cấp cần cho gân tổn thương được nghỉ ngơi. Ngừng các hoạt động thể thao, nghề nghiệp có thể gây nên viêm gân trong một vài tuần. Tuy nhiên đau khớp vai mạn tính, sau khi khớp vai ổn định cần tái luyện tập để chống lại sự nhô cao của chỏm xương cánh tay khi nhấc cánh tay lên.

- Điều trị tại chỗ: Chườm lạnh bằng đá, xoa kem chống viêm (Voltaren Emulgen, Nillugel, Profenid Gel, Gendcl...), tiêm corticoid cạnh gân. Chú ý: nếu tiêm trực tiếp vào gân có thể gây đứt gân. Tiêm tối đa 3 lần, mỗi lần nên tiêm cách nhau 10 ngày, cần sử dụng loại thuốc corticoid nhanh và không fluo hóa. Cần ngừng tiêm nếu tiêm 2 lần đầu mà không có kết quả.

- Dùng thuốc giảm đau: Aspirin, paracetamol, Efferalgan codein, Di-antalvic...

- Có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid đường uống, đặt hậu môn, tiêm bắp.

- Áp dụng các biện pháp vật lí trị liệu: Áp bùn, sóng ngắn, điện phần thuốc, siêu âm, dùng dòng điện có tần số trung bình để giảm đau.

Điều trị viêm quanh khớp vai (VQKV)

2.2 Giả liệt khớp vai

Giả liệt khớp vai do đứt rách mũ gân cơ quay, xác định bằng siêu âm

- Điều trị nội khoa: Bất động tạm thời, khớp vai ở tư thế dạng. Dùng thuốc chống viêm không steroid. Nên tránh tiêm lại chỗ vì có thể làm hoại tử gân tăng lên.

- Phục hồi chức năng bao gồm nhiệt trị liệu, vận động liệu pháp tích cực.

- Điều trị ngoại khoa: Mổ khâu lại gân đứt, thường áp dụng cho người trẻ. Ở người già, do tổn thương thoái hóa ở cả những gân lân cận nên chỉ điều trị ngoại khoa khi điều trị nội khoa thất bại. Riêng đứt gân bổ dài cơ nhị đầu không có chỉ định mổ, trừ trường hợp đặc biệt.

2.3 Đau vai cấp

Đau vai cấp xác định bằng chụp Xquang, siêu âm để phát hiện tình trạng lắng đọng calci

- Cho khớp đau được nghỉ ngơi (băng chéo bất động), chườm đá.

- Dùng thuốc chống viêm không steroid liều cao trong vài ngày. Dùng corticoid tiêm tại chỗ cùng có hiệu quả. Trong đa số trường hợp dùng corticoid đường uống (prednisolon 20 - 30mg/ngày) trong 3 - 4 ngày, rồi giảm dần liều và ngừng hẳn.

- Điều trị ngoại khoa: Có thể chọc hút dịch chứa calci hay nội soi hút, cắt mảnh calci hóa. Nếu tái phát nhiều lần thì cần phẫu thuật nạo calci. Đôi khi cần kết hợp với các dây chằng cùng vai - quạ và cắt phần trước mỏm cùng vai.

2.4 Cứng khớp vai

Bệnh thường khỏi tự nhiên sau 6 tháng - 2 năm, có thể rút ngắn thời gian nhờ điều trị.

- Điều trị nội khoa bao gồm sử dụng thuốc chống viêm giảm đau không steroid, các thuốc giãn cơ. Điều trị đau do loạn dưỡng bằng các thuốc chẹn beta giao cảm, calcitonin, áp dụng lí liệu pháp sau khi hết đau, nhiệt trị liệu cũng có tác dụng nhất định. Nếu không có kết quả thì có thể dùng corticoid đường tiêm nội khớp hoặc đường toàn thân. Có thể dùng corticoid đường uống liều trung bình (15 - 20mg/ngày) trong 5 - 7 ngày sau đó giảm dần liều 1 - 2mg/ngày cho đến khi ngừng hẳn. Thời gian điều trị khoảng 3 tuần. Có thể tiêm corticoid nội khớp 3 - 6 lần trong một đợt điều trị, với khoảng cách giữa các lần tiêm là 5 ngày.

- Phục hồi chức năng: Vận động thụ động nhẹ nhàng, các bài tập tư thế, vận động chủ động có sự giúp đỡ. Khi tình trạng bệnh bắt đầu được cải thiện, bệnh nhân cần vận động tăng dần, tập cử động cánh tay trong nhiều ngày. Đưa tay thẳng ra trước, sang ngang, quành tay ra sau vai.

- Điều trị ngoại khoa: Một số tác giả đề nghị biện pháp chống co rút bao thanh dịch bằng cách tiêm một số lượng lớn dịch vào bao thanh dịch, sau đó làm các động tác vận động khớp vai hay làm thủ thuật mở bao khớp trước bằng nội soi.

Viết bình luận