Cách điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

I. ĐẠI CƯƠNG

Có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau gây ra những tổn thương ở ruột. Những vi khuẩn này tấn công trực tiếp niêm mạc ruột, hoặc gián tiếp thông qua các nội độc tố hay ngoại độc tố mà chúng giải phóng ra. Bệnh cảnh lâm sàng ít nhiều khác nhau tùy theo loại vi khuẩn gây bệnh, nhưng triệu chứng chung nổi bật là ỉa lỏng, rối loạn nhu động ruột.

Phần lớn các trường hợp ỉa chảy cấp nhiễm khuẩn được điều trị ngoại trú tại nhà và chỉ cần điều trị triệu chứng là đủ. Điều trị nội trú tại bệnh viện dành cho những trường hợp ỉa chảy nặng, có rối loạn nước và điện giải nhiều. Kháng sinh đường ruột chỉ dùng trong một số trường hợp đặc biệt.

Đại cương nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

II. ĐIỀU TRỊ TRIỆU CHỨNG

1. Xử trí tại nhà

- Chế độ vệ sinh ăn uống:

  • Ngừng uống sữa (nhất là ở những người thiếu men lactase), và các loại đồ uống có chứa cafein.
  • Ăn các loại thức ăn có chứa nhiều điện giải, nhất là kali như nước cam tươi, chuối...

- Chống mất nước và điện giải: Cho bệnh nhân uống các loại dung dịch có chứa điện giải và muối khoáng (ví dụ như muối Oresol). Số lượng dịch uống nhiều hay ít tùy thuộc vào tình trạng khát và số lượng nước mất qua phân, nước tiểu, chất nôn.

- Thuốc chống co thắt:

  • Spasmaverin: 2 viên x 2 lần/ngày
  • Buscopan: 2 viên x 2 lần/ngày

- Thuốc chống nôn: Primperan: 2 viên x 2 lần/ngày

2. Điều trị tại bệnh viện

2.1 Áp dụng cho những trường hợp

- Không dung nạp được thuốc qua đường tiêu hoá (do nôn), buộc phải dùng thuốc qua đường tĩnh mạch hoặc đường tiêm.

- Những bệnh nhân có rối loạn nước và điện giải nặng, tụt huyết áp.

2.2 Cụ thể

- Bồi phụ nước:

Kiểm soát lượng dịch cần bù bằng áp lực tĩnh mạch trung tâm (ALTMTT). Ở những cơ sở điều trị không có điều kiện đo ALTMTT, có thể tính lượng dịch cần bù bằng một trong hai cách sau:

  • Nếu biết trọng lượng cơ thể của bệnh nhân trước khi bị bệnh:

    Lượng nước = TLCT bình thường - TLCT hiện tại.

    (TLCT: trọng lượng cơ thể tính theo kg)

  • Nếu không biết trọng lượng cơ thể của bệnh nhân trước khi bị bệnh:

    Lượng nước = Lượng nước mất (qua phân, nước tiểu, chất nôn) + 500ml/24 giờ (lượng nước mất qua da, hơi thở ở bệnh nhân không sốt).

  • Thành phần dịch cần bù là: Glucose 5% có pha insulin (5 đơn vị insulin cho 500 ml) và NaCl 0,9%.

- Bồi phụ điện giải: Tuỳ theo điện giải đồ, tuy nhiên phải chú trọng hàng đầu đến tình trạng hạ kali máu vì nó có thể gây ra những rối loạn nhịp tim nguy hiểm.

  • Bù kali: Khi K máu < 3mmol/l
  • Nếu bệnh nhân không nôn: Ăn thức ăn có chứa nhiều K, uống K (1g KCl cho 13mmol K)
  • Truyền tĩnh mạch: cho bệnh nhân nôn nhiều hoặc thiếu K nhiều.

    Lượng K cần bù = (K máu bình thường - K bệnh nhân) x 0,6 TLCT

    (TLCT: trọng lượng cơ thể tính bằng kg)

    Trong mỗi lít dịch truyền có thể cho 50 - 70mmolK. Tốc độ truyền: 4 - 8 mmol/ giờ

  • Bù natri:
    • Lượng N cần bù = ( 140 - Na máu của bệnh nhân) x 0,6 TLCL

      (TLCT: trọng lượng cơ thể tính bằng kg)

    • Dung dịch truyền là NaCl 0,9%.

- Các thuốc chống co thắt và chống nôn: Đã nêu ở trên, có thể dùng các loại thuốc tiêm nếu bệnh nhân nôn nhiều hoặc dùng thuốc qua đường uống ít kết quả.

III. KHÁNG SINH ĐƯỜNG RUỘT

1. Chỉ định

Hầu hết các trường hợp ỉa chảy cấp nhiễm khuẩn chỉ cần điều trị triệu chứng là đủ, không cần dùng kháng sinh. Kháng sinh đường ruột chỉ cho trong những trường hợp thật cần thiết sau đây:

- Ỉa chảy nặng, có lẫn máu trong phân.

- Đã điều trị triệu chứng tích cực, nhưng sau 48 giờ không có kết quả.

- Ỉa chảy nhiễm khuẩn ở những vùng đang có dịch.

- Cơ địa suy giảm sức đề kháng ở trẻ sơ sinh hoặc người già tình trạng suy dinh dưỡng, đang mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch, các bệnh ác tính, bệnh van tim.

Điều trị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

2. Nguyên tắc

Dùng các loại kháng sinh tùy theo từng loại vi khuẩn gây bệnh, tốt nhất là dựa vào kết quả cấy phân và kháng sinh đồ. Cụ thể:

- Escherichia Coli (E.coli):

  • Ampicillin: 1g x 2 lần/ngày.
  • hoặc Cotrimoxazol (Bactrim) 480mg: 2 viên/lần x 2 lần/ngày.

- Campylobacter jejuni: Erythromycin: 1g x 2 lần/ngày x 7 ngày.

- Salmonella non typhi (phó thương hàn):

  • Ampicillin hoặc amoxicillin: 1g x 2 lần/ngày x 10 -15 ngày.
  • hoặc thiamphenicol (Thiophenicol) 250mg: 4 viên x 2 lần/ngày x 10 - 15 ngày
  • hoặc Cotrimaxazol 480 mg: 2 viên x 2 lần/ngày x 10 - 15 ngày.

- Shigella dysenteria (lị trực trùng): có thể dùng một ưong những loại kháng sinh sau:

  • Ampicillin: 2g/ngày x 4 ngày.
  • Cotrimaxazol 480: 2 viên/ngày x 2 lần/ngày.
  • Ciprofloxacin (Ciflox*) 500mg x 2 lần/ngày
  • Norfloxacine (Noroxin): 400mg x 2 lần/ngày.

- Yersinia enterocolitica:

Doxycyclin (Doxy):

  • Nếu bệnh nhân nặng > 60 kg: 200mg/lần/ngày.
  • Nếu bệnh nhân nặng < 60 kg:
    • Ngày đầu: 200mg/lần/ngày.
    • Những ngày sau: 100mg/lần/ngày.

hoặc: Cotrimoxazol Ciprofloxacin, Norfloxacin.

- Vibrio cholerae (tả): tetracyclin 40mg/kg/ngày, chia làm 4 lần x 2 ngày

- Clostridium difficile (gây bệnh viêm đại tràng giả màng, thường xuất hiện sau khi dùng kháng sinh, chẩn đoán xác định bằng phát hiện độc tố của vi khuẩn trong phân hoặc ở mảnh sinh thiết niêm mạc đại tràng):

  • Thể nhẹ: Metronidazol (Flagyl) 500mg x 3 lần/ngày x 7 - 10 ngày.
  • Thể nặng: Vancomycin 500mg x 4 lần/ngày x 7 - 10 ngày.

- Các thuốc chống virus

  • Các virus gây tổn thương ở ruột non: Rota virus hoặc virus Norwalk, không có thuốc điều trị đặc hiệu.
  • Các virus gây tổn thương ở đại tràng:
    • Herpes simplex: Acyclovir (Zovirax) 20 mg/kg/ngày, chia làm 4 lần, dùng thuốc điều trị đặc hiệu.
    • Cytomegalovirus (CMV): Ganciclovir (Cymevan ). Liều tấn công: 5 mg/kg/truyền tĩnh mạch trong 1 giờ, sau 12 giờ truyền nhắc lại một liều tương tự. Điều trị trong vòng 14 - 21 ngày.

IV. ĐIỀU TRỊ DPHÒNG

1. Vệ sinh ăn uống

- Giáo dục vệ sinh ăn uống cho toàn dân.

- Không ăn thức ăn ôi thiu hoặc bị nhiễm bẩn do các loại côn trùng như ruồi, kiến...

- Tất cả các đồ ăn, nước uống phải được nấu chín.

2. Dùng thuốc dự phòng

- Đối tượng: Những người thường xuyên phải đi công tác ở những vùng khác nhau, thường ăn những thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn.

Những người có cơ địa dễ nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.

- Thuốc:

  • Doxycyclin
  • Cotrimoxazol
  • Ciprofloxacin

- Cách dùng: Dùng thuốc 3 - 5 ngày trước khi thay đổi môi trường sống và ăn uống.

Viết bình luận