Cách điều trị tràn khí màng phổi

I. ĐẠI CƯƠNG

Tràn khí màng phổi là biểu hiện bệnh lí do sự xuất hiện bất thường trong khoang màng phổi một lượng khí ít hoặc nhiều do bệnh lí của lá thành hoặc lá tạng hoặc do điều trị.

Đại cương tràn khí màng phổi

- Tùy theo lượng khí nhiều hay ít mà ta có 2 loại tràn khí:

  • Tràn khí màng phổi khu trú
  • Tràn khí màng phổi tự do hay toàn bộ.

- Người ta còn phân ra 3 loại tràn khí dựa theo áp lực của khoang màng phổi:

  • Tràn khí màng phổi đóng
  • Tràn khí màng phổi mở
  • Tràn khí màng phổi có supap hay có van

- Yếu tố thuận lợi:

  • Các bệnh phổi mạn tính hay các bệnh cấp tính (viêm phổi cấp do tụ cầu)
  • Sau gắng sức, hoặc do nghề nghiệp.

- Chẩn đoán:

  • Bệnh nhân biểu hiện suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp.
  • Có tam chứng Galiard ở bên bệnh
  • Có hình ảnh X quang điển hình (phổi sáng, khoang liên sườn giãn rộng, nhu mô phổi co về rốn phổi, tim bị đẩy qua bên đối diện.
  • Chọc hút có khí ở khoang màng phổi.

II. ĐIỀU TRỊ

1. Tràn khí màng phổi tự phát vô căn

1.1 Tràn khí màng phổi đóng

- Nghỉ ngơi tại giường theo tư thế Fowler

- Giảm đau, an thần bằng Aspirin 500 mg 2-4 viên/ngày uống sau ăn.

Chống chỉ định ở bệnh nhân có tiền sử hen, tổn thương dạ dày tá tràng.

- Người ta có thể dùng:

Paracetamol (Efferalgan) 500mg 2 lần/ngày mỗi lần 1 viên.

Thận trọng: Đối với bệnh nhân suy gan hoặc cho: Seduxen,diazepam 5mg 1 viên/ngày

Không cho trong trường hợp tràn khí ở bệnh nhân bị suy hô hấp mạn tính.

- Ngừng thuốc lá - thuốc lào.

- Hạn chế các hoạt động gắng sức về thể lực.

1.2 Tràn khí màng phổi mở

- Phục hồi thành ngực (nếu do chấn thương thủng thành ngực).

- Đặt catheter khoang màng phổi và hút liên tục với áp lực âm, hoặc hút bằng bơm quay với kim đủ lớn (17 hoặc 18G).

- Theo dõi mạch huyết áp của bệnh nhân và dấu hiệu toàn thân để đánh giá kết quả.

- Sau 48 giờ hút liên tục, chụp phổi thẳng để đánh giá kết quả.

1.3 Tràn khí màng phổi có van hay có supap.

Đây là loại cấp cứu cần phải xử trí khẩn trương

- Tiêm atropin 1/4mg/ ống x 2 ống tiêm dưới da.

- Gây tê vùng ngực bên tổn thương, vị trí khoang liên sườn II và dùng kim lớn 14G hay 16G để chọc hút qua máy liên tục hoặc bằng bơm quay, áp lực (nếu qua máy hút) là -15 cm H2O.

Ở nơi không có máy hút thì nối với kim chọc hút bằng 1 sợi dây truyền huyết thanh, đầu kia cho vào 1 bình đựng nước muối 9‰, nhưng sâu 10 - 15 cm.

- Kiểm tra qua X quang nếu phổi nở ra khó khăn có thể soi phế quản để tìm tổn thương ở phế quản thông với khoang màng phổi.

Có thể soi màng phổi để tìm nguyên nhân và khắc phục lỗ thủng ở lá tạng của màng phổi.

Điều trị tràn khí màng phổi

2. Tràn khí màng phổi tái phát

Sau khi hút khí ở khoang màng phổi nhiều lần mà không kết quả. Người ta áp dụng một trong các phương pháp sau:

- Bơm vào khoang màng phổi bị bệnh
  • Tetraxyclin 1g x 1 lọ
  • Natri clorua 9‰ x 20 ml
  • Streptomycin 1g x 10 lọ
  • Natri clorua 9‰ x 20 ml

- Thử phản ứng với streptomycin nước khi bơm vào khoang màng phổi.

  • Máu tự mẫn (máu của bệnh nhân, 20ml đến 40ml bơm qua ống thông dẫn lưu khoang màng phổi bị bệnh.
  • Đặt bệnh nhân nằm nghiêng về bên phổi bị bệnh rồi hút qua máy với áp lực âm 15cm nước.

Yêu cầu: Phải bảo đảm khâu vô khuẩn tuyệt đối.

Lưu ý: Trong thể tràn khí màng phổi mở do thủng lá tạng của màng phổi với lỗ thủng lớn (do vỡ hang lao, áp xe phổi vỡ vào khoang màng phổi) khi hút, khi cần duy trì áp lực âm tháp 5 - 10cm nước. Tránh hút với áp lực lớn có thể gây ra hiện tượng ngạt và suy hô hấp cấp do máy hút đã kéo phần thể tích khí lỏng phế quản của phổi lành (hiện tượng ăn cắp khí). Bệnh nhân có thể tử vong nếu thời gian hút kéo dài không được theo dõi.

3. Điều trị ngoại khoa

3.1 Tràn máu tràn khí màng phổi do chấn thương

- Phục hồi lỗ thủng, thành ngực.

- Dẫn lưu máu ở khoang màng phổi.

- Dẫn lưu khí đồng thời.

3.2 Tràn khí, tràn mủ do áp xe hoặc hang lao vỡ vào khoang màng phổi

- Soi phế quản để tìm phế quản tổn thương thông với khoang màng phổi.

- Dùng sonde có bóng ở đầu để nút phế quản bị tổn thương.

- Hút khí và mủ, giải phóng khoang màng phổi.

3.3 Tràn khí màng phổi tái phát

- Soi màng phổi.

- Thắt hoặc cắt các chùm phế nang giãn qua nội soi màng phổi.

Điều trị cho bệnh nhân bị tràn khí màng phổi

4. Điều trị nguyên nhân

4.1 Do nhiễm khuẩn

Cho kháng sinh toàn thân bằng đường tiêm hoặc đường uống dựa vào kháng sinh đồ từ kết quả cấy máu, mủ.

4.2 Do lao

Cho các thuốc chống lao với phác đồ điều trị 6 tháng

- 2 tháng đầu với 4 loại:

  • Streptomycin 1g/ngày tiêm bắp
  • Pirazynamid 15mg/kg/ngày
  • Rifampicin 10mg/kg/ngày
  • Rimifon 5-10mg/kg/ngày

- 4 tháng sau: Với 2 thứ thuốc rifampicin và rimifon.

Lưu ý: Đề phòng tác dụng phụ của Streptomycin

- Nếu có: triệu chứng của hội chứng tiền đình

- Có biểu hiện ở thận (nước tiểu ít, phù phải ngừng thuốc).

- Nếu có biểu hiện chán ăn, nước tiểu vàng sẫm, củng mạc mắt vàng phải ngừng rimifon và rifampicin.

4.3 Do áp xe phổi vỡ vào khoang màng phổi gây tràn khí - tràn dịch màng phổi

- Dẫn lưu khí và mủ

- Rửa khoang màng phổi hàng ngày bằng dung dịch natri clorua 9‰ 500ml - 1000ml cho đến khi dịch trong.

- Cho các thuốc tiêu fibrin vào khoang màng phổi nhủ a chymotrypsin 5mg/ ống 1 ống/ngày

- Hướng dẫn bệnh nhân tập thở hỗ trợ chống dày dính màng phổi.

Viết bình luận