Cách điều trị viêm gan mạn tính

I. ĐẠI CƯƠNG

Viêm gan mạn tính là một bệnh thường gặp, hậu quả cuối cùng là xơ gan. Viêm gan mạn tính có hai loại chính: Viêm gan mạn tính ổn định hay dai dẳng và viêm gan mạn tính tiến triển hay tấn công. Viêm gan mạn tính tiến triển cũng có hai loại chính:

  • Do virus
  • Do tự miễn

Đại cương viêm gan mạn tính

Triệu chứng của viêm gan mạn tính tiến triển phụ thuộc vào trong đợt hay ngoài đợt tiến triển:

- Trong đợt: sốt, vàng da, đau nhẹ vùng gan, rối loạn tiêu hóa, đau khớp, da sạm, sao mạch, gan to, phù...

- Ngoài đợt: Chỉ là rối loạn tiêu hóa, da sạm, trứng cá, mề đay.

II. ĐIỀU TRỊ

1. Viêm gan mạn tính ổn định

Viêm gan mạn tính ổn định không có thuốc đặc hiệu.

- Chế độ ăn: Quan trọng nhất, cần bỏ rượu, bia, kiêng mỡ, tăng cường chất đường, protid, thay mỡ động vật bằng mỡ thực vật. Ăn uống đầy đủ calo, vitamin: 200g protid/ngày 300 - 400g glucid và 20 - 30g lipid mỗi ngày.

- Hạn chế dùng các thuốc có hại đối với gan: Một số thuốc táo bón, chữa tăng huyết áp, đái tháo đường, một số thuốc giảm đau, an thần...

- Thuốc trợ gan lợi mật: Thực sự không cần thiết, trong một số ít trường hợp có thể dùng thuốc lợi mật, thuốc để kích thích ăn uống: Antichaud, Sulfarlem, Hepadial... và một số thuốc trợ gan: Legalon, Rigaton...

- Không cần nghỉ ngơi hoàn toàn, người bệnh vẫn có thể lao động bình thường.

2. Viêm gan mạn tính tiến triển

- Chế độ ăn uống: Giống như trên.

- Chế độ sinh hoạt: Trong đợt tiến triển phải nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường. Ngoài đợt có thể lao động nhẹ, giảm cường độ lao động, tránh gắng sức.

- Hạn chế sử dụng các thuốc để điều trị các bệnh khác như: Thuốc giảm đau chống viêm, thuốc an thần, kháng sinh.v.v... Sử dụng kim tiêm riêng, kể cả kim châm cứu... Tránh các bệnh nhiễm khuẩn, virus: Ăn uống hợp vệ sinh không bị ỉa chảy, tránh các buổi liên hoan tập thể, ăn uống tại nhà hàng khách sạn, tránh tiếp xúc nơi đông người, hạn chế đi ra phố nếu không thật cần thiết...

Điều trị viêm gan mạn tính

Thuốc điều trị: Tùy theo viêm gan virus hay viêm gan tự miễn:

2.1 Viêm gan virus (HBsAg+)

Không có thuốc đặc hiệu để tiêu diệt virus viêm gan. Người ta có thể dùng một số thuốc sau đây, nhưng kết quả rất hạn chế.

- Thuốc chống virus:

  • Vidarabin, Zovirax, Retrovir: Không có kết quả.
  • Interferon (Intron...) loại α1, α2: Được nghiên cứu nhiều nhất, nhưng kết quả thất thường, tối đa không vượt quá 50% trường hợp.

- Chỉ định:

  • Transaminase tăng rất cao.
  • Sinh thiết gan có hoại tử tế bào gan.
  • Các diễn biến lâm sàng trên 6 tháng.
  • HBsAg (+)

- Liều dùng: 3 - 5 triệu đơn vị/1 lần/ mỗi tuần 3 lần ít nhất trong 6 tháng. Hoặc 5 triệu đơn vị/ngày, hoặc 10 triệu đơn vị/lần, mỗi tuần 3 lần dùng trong 4 tháng.

Người ta có thể phối hợp interferon và thuốc kháng sinh chống virus, kết quả có cao hơn một chút.

2.2 Viêm gan tự miễn (HBsAg-)

- Corticoid: Có thể sử dụng riêng rẽ hay phối hợp với các thuốc giảm miễn dịch khác.

Sử dụng riêng rẽ: Prednisolon: 60mg/ngày rồi 40mg, 30mg/ngày mỗi liều như vậy dùng trong 1 tuần, liều duy trì là 20mg/ngày dùng cho đến khi các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm trở về bình thường.

Sử dụng phối hợp với thuốc giảm miễn dịch khác: 30mg/ngày rồi 20mg/ngày/15 mg/ngày/mỗi liều dùng 1 tuần, liều duy trì là 10mg/ngày.

- Thuốc giảm miễn dịch: Có nhiều, nhưng có hai loại hiện được sử dụng nhiều nhất là:

Azathioprin: 50 mg/ngày hoặc 1,5 mg/kg/ngày dùng cho đến khi triệu chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm trở về bình thường, hoặc đến khi giảm bạch cầu. Ciclosporin (Sandimum) gần đây mới sử dụng và chưa được dùng phổ biến.

- Các thuốc lợi mật và trợ gan: Như đối với viêm gan ổn định.

Viết bình luận