Cách điều trị chứng táo bón

I. ĐẠI CƯƠNG

Táo bón có rất nhiều nguyên nhân: Nguyên nhân tại bộ máy tiêu hóa và ngoài bộ máy tiêu hóa, do thói quen và nghề nghiệp, hoặc không có nguyên nhân gì rõ rệt. Nếu không có nguyên nhân rõ rệt, gọi là bệnh táo bón hoặc táo bón tiên phát, nếu có nguyên nhân do một bệnh khác đưa đến, gọi là táo bón triệu chứng.

Cơ chế gây ra táo bón:

- Rối loạn vận động ở đại tràng: Tăng hoặc giảm. Đại tràng có nhiệm vụ đẩy phân từ trên xuống. Nếu nhu động của đại tràng tăng hoặc giảm, hoặc bị cản trở bởi một khối u đều dẫn đến hậu quả phân bị giữ lại lâu ở đại tràng.

- Rối loạn vận động ở trực tràng và hậu môn: Giảm ở trực tràng và đại tràng Sigma, tăng ở hậu môn. Khi điều trị táo bón cần biết rõ táo bón do cơ chế nào. Nếu do nguyên nhân ở đại tràng thì cần dùng các thuốc điều hòa nhu động đại tràng, nếu nguyên nhân ở trực tràng thì dùng thuốc tại chỗ.

Đại cương chứng táo bón

II. CÁC THUỐC CHỐNG TÁO BÓN

Có nhiều loại:

1. Các thuốc gây kích thích

Tác dụng vào niêm mạc đại tràng gây tăng bài tiết nước và điện giải. Hoạt chất gây kích thích thường là: Acid riconoleic, dioctyl sulfosuccinat Na, dantron, phenolphtalein, sene... Biệt dược có rất nhiều: Boldolaxin, Fructin Vichy, Coraga...

2. Các thuốc thẩm thấu

Có tác dụng kéo nước từ trong thành ruột vào lòng ruột, đồng thời hạn chế tối đa quá trình hấp thu nước. Hoạt chất chính thường là các muối sulfat, phosphat của Mg hoặc Na, một số loại đường. Biệt dược cũng có rất nhiều. Sử dụng các loại muối cần thận trọng vì tác dụng mạnh và hay gây táo bón trở lại sau khi ngừng thuốc. Biệt dược có nhiều: Lactulose, Duphalac, Sorbitol, Sorbostyl...

3. Các thuốc làm trơn

Hoạt chất chính là vaselin hoặc paraphin biệt dược: Lansoyl, Transitol... ở Việt Nam có gấc.

Sợi xơ và mucilage: Một số sợi xơ có tác dụng ngấm nước và nở ra làm cho phân mềm và tăng khối lượng phân, làm cho đại tràng tống phân dễ dàng hơn. Biệt dược có nhiều: Actison, Celluson, Natuvit, Igol, cám gạo, Karaya stercula.

Các thuốc trên ít độc nhất.

4. Các ion kali, calci, natri

Nhu động của ruột, nhất là của đại tràng chịu ảnh hưởng nhiều của các điện giải trên. Nước suối kênh gà rất tốt.

5. Các thuốc dùng đường hậu môn

Hoạt chất là các chất kích thích hoặc các chất sinh hơi như trên nhưng dùng đường hậu môn. Biệt dược: Microlax, Ducolax, Rectobanbilin...

Điều trị chứng táo bón

III. ÁP DỤNG THỰC TẾ

1. Không dùng thuốc

Các biện pháp không cần dùng thuốc được áp dụng trước dù là táo bón do đại tràng hay do trực tràng. Các biện pháp đó bao gồm:

- Chế độ ăn:

  • Giàu chất xơ, thức ăn nhiều nước,
  • Uống nhiều nước: Tối thiểu mỗi ngày uống 1,5 lít.
  • Tránh ăn các chất gây táo bón: ổi, quá nhiều chất bã.

- Luyện tập: Massage bụng kết hợp tập đi ngoài đúng giờ.

- Thay đổi thói quen: Nằm nhiều hoặc ngồi nhiều bằng những biện pháp trên nếu không có kết quả mới dùng thuốc.

2. Dùng thuốc

Nên nhớ rằng các loại thuốc chống táo bón ít nhiều đều gây độc nhất là đối với gan và thận. Lạm dụng sẽ gây bệnh gọi là bệnh của thuốc nhuận tràng (melanose) gây ỉa chảy hoặc sau khi ngừng thuốc thì lại táo bón ngay.

Cần biết hai loại táo bón: Do đại tràng hay do trực tràng. Nếu do trực tràng nên dùng thuốc qua trực tràng. Nếu do đại tràng nên dùng thuốc toàn thân qua đường uống. Trong trường hợp không biết do tại đâu, nên dùng thuốc qua đường trực tràng trước. Trong trường hợp phải dùng thuốc uống, nên dùng thuốc ít độc trước theo thứ tự: Sợi thức ăn thực vật và mucilage, thuốc có dầu, thuốc thẩm thấu và thuốc kích thích. Có thể dùng các thuốc thẩm thấu hoặc kích thích trước trong vài ba ngày đều để có tác dụng ngay, sau đó dùng các thuốc khác. Muốn có tác dụng kéo dài nên dùng các điện giải kali, calci và natri. Đó là điều trị nền, không có hại và áp dụng cho mọi loại táo bón. Liều lượng đối với kali trung bình 2 g/ngày, với calci 1g/ngày.

Nước suối kênh gà rất tốt đối với táo bón.

Viết bình luận