Cách điều trị xơ gan
Mục lục nội dung
I. ĐẠI CƯƠNG
Xơ gan là một bệnh thường gặp. Về mặt giải phẫu, bệnh được đặc trưng bởi quá trình xơ hóa lan tỏa và sự hình thành các hạt đầu đinh (nodules) trong gan. Nguyên nhân gây bệnh có nhiều nhưng chủ yếu là do virus viêm gan và rượu. Về lâm sàng, người ta chia sự phát triển của bệnh ra làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn còn bù (giai đoạn đầu): Khó phát hiện do các triệu chứng không điển hình. Bệnh nhân thường tức nhẹ hạ sườn phải, ăn uống chậm tiêu, giãn các mao mạch dưới da, gan mấp mé bờ sườn, mật độ chắc. Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào soi ổ bụng và sinh thiết gan.
- Giai đoạn mất bù (giai đoạn muộn): Triệu chứng lâm sàng thể hiện rõ:
- Hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa: cổ trướng tự do, tuần hoàn bàng hệ cửa chủ, giãn tĩnh mạch thực quản, giãn tĩnh mạch trực tràng, lách to.
- Hội chứng suy tế bào gan: Gầy sút, vàng da, phù, giãn mạch trên da, xuất huyết dưới da, gan nếu to thì có mật độ cứng hoặc chắc. Các xét nghiệm chức năng gan bị rối loạn.
II. ĐIỀU TRỊ
Một số điểm cần lưu ý trong điều trị xơ gan
- Xơ gan là một bệnh không thể chữa khỏi, nhưng nếu được điều trị đúng bệnh nhân có thể sống lâu dài.
- Giai đoạn còn bù điều trị bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, hạn chế sử dụng thuốc và các chất có hại cho gan.
- Giai đoạn mất bù chủ yếu là điều trị ngăn ngừa biến chứng.
1. Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống
- Tránh lao động nặng, khi bệnh tiến triển cần được nghỉ ngơi tuyệt đối.
- Không dùng bia rượu.
- Hạn chế muối, mỡ trong khẩu phần ăn. Khi có phù, cổ trướng cần ăn nhạt hoàn toàn.
- Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho người bệnh (2000 - 3000kcal/ngày).
Trong đó protid dùng khoảng 1g/kg/cân nặng 1 ngày.
- Ăn nhiều hoa quả, rau tươi vì chúng cung cap vitamin và kali.
2. Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa
2.1 Điều trị xuất huyết do vỡ tĩnh, mạch thực quản
- Cầm máu bằng thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa.
- Vasopressin: Tiêm tĩnh mạch 10 - 30 đơn vị, có thể nhắc lại sau 30 phút hoặc tốt hơn là truyền trong dung dịch dextran 0,2 - 0,8 đơn vị/phút.
Chú ý thuốc có tác dụng phụ là: Co động mạch, giảm natri máu và gây suy tim nên không dùng liều cao và kéo dài.
- Glypressin: Là một chất giống vasopressin nhưng có tác dụng kéo dài hơn. Liều dùng 2mg tiêm tĩnh mạch. Có thể nhắc lại sau 6 giờ.
- Somatostatin: truyền trong dung dịch đẳng trương 4µg/phút.
- Nitroglycerin (Lenitral): Viên 2,5mg; uống 2 - 4 viên/ngày
- Cầm máu bằng ống thông có bóng chèn: Có 2 loại ống thường dùng.
- Ống thông Linton: Chủ yếu dùng trong các trường hợp giãn tĩnh mạch dạ dày gây chảy máu.
- Ống thông Sengstaken - Blackmore: Chủ yếu dùng để chèn trong các trường hợp chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản.
- Cầm máu bằng tiêm thuốc gây xơ hóa qua nội soi: Qua ống soi mềm, ngoài việc chẩn đoán còn có thể cầm máu bằng các chất gây xơ hóa tĩnh mạch như: Tetradecyl sulfat, ethanolamin, polydocanol. Mỗi mũi tiêm khoảng 1,5 - 3ml, tối đa có thể lên tới 20 - 30ml cho một lần tiêm và soi để tiêm nhắc lại sau 2 - 4 ngày.
2.2 Điều trị dự phòng xuất huyết
- Dùng thuốc
- Chủ yếu dùng propranolon để làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Liều thường dùng là 20 - 60mg, cứ 6 giờ uống 1 lần. Cần chỉnh liều sao cho nhịp tim giảm xuống 25%. Thuốc có thể dùng kéo dài trong nhiều năm.
- Isosorbit nitrat (Imdur) 60mg x 1 - 2 viên/ngày.
- Tạo một đường thông trong gan nối hệ thống tĩnh mạch cửa với hệ thống tĩnh mạch gan.
- Phẫu thuật tạo các shunt với hệ thống tĩnh mạch cửa: Nối tĩnh mạch cửa với tĩnh mạch chủ dưới, nối hệ tĩnh mạch mạc treo tràng trên với tĩnh mạch chủ, nối tĩnh mạch lách với tĩnh mạch thận.
3. Điều trị cổ trướng
- Hạn chế đến mức tối thiểu lượng muối đưa vào cơ thể ( 2g/ngày) từ thức ăn, từ thuốc và dịch truyền.
- Những trường hợp cổ trướng nặng có thể chọc tháo dịch cổ trướng.
- Lợi tiểu: Đảm bảo bệnh nhân đi tiểu từ 1,5 - 2 lít/ngày và được chia làm 3 bước.
- Bắt đầu bằng spironolacton: 50mg/ngày, nâng dần lên 200 - 300mg/ngày.
- Nếu vẫn đi tiểu ít, phối hợp với furosemid (Lasix) viên 40mg; nâng dần lên từ 1 - 4 viên/ngày.
- Nếu vẫn chưa đạt yêu cầu, phối hợp với hydrochlothiazid 25 - 50mg/ngày.
- Truyền đạm: Huyết tương tươi, Human albumin 20% và các dung dịch đạm giầu albumin khác.
- Một số phương pháp điều trị cổ trướng đặc biệt khác.
- Truyền lại dịch cổ trướng cho bệnh nhân.
- Tạo shunt Leveen bằng cách đặt một ông polyethylen để dẫn dịch cổ trướng từ ổ bụng vào tĩnh mạch chủ dưới.
4. Một số thuốc điều trị khác
- Dùng thuốc chống xơ hóa: D-penicillamin, colchicin (trong thực tế ít có kết quả)
- Dùng các vitamin nhất là vitamin nhóm B liều cao, không cần thêm muối khoáng.
- Trong đợt tiến triển của bệnh có thể dùng: Legalon, nissel, citrarginin, dynamisan.
- Prednisolon: Liều vừa phải (30mg/ngày) cho các trường hợp xơ gan do rượu và xơ gan mật.
- Trường hợp xơ gan mật có thể cho thêm: Acid ursodeoxycholic, 10mg/kg/ngày.
Viết bình luận