Cách điều trị sỏi mật
Mục lục nội dung
I. ĐẠI CƯƠNG
Sỏi mật là một bệnh phổ biến ở nước ta. Cấu tạo bởi sỏi gồm 3 loại:
- Cholesterol: thường gặp nhất
- Bilirubin: ít gặp hơn
- Carbonat calci: ít gặp nhất.
Trong thực tế ít khi gặp loại sỏi một thành phần mà thường có hai hoặc ba thành phần
Cơ chế để tạo nên sỏi cholesterol là do mật ít muối mật làm cho cholesterol bị kết tủa và thành sỏi.
II. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị triệu chứng
1.1 Chống đau
- Dùng các thuốc chống co thắt, tuỳ theo mức độ đau mà có thể dùng:
- Debridat, Duspatalin.
- Atropin, Papaverin.
- Viscéralgine fort
- Spasfon.
- Các thuốc chống đau khác: Voltaren, Dolargan...
Nên phối hợp thuốc giãn mạch: Nitroglycerin...
1.2 Chống nhiễm khuẩn (nếu có)
Các vi khuẩn thường là gram (âm): E. Coli, Enterocococ, Proteuss. Các kháng sinh thường dùng:
- Cefobis, Ciprobay
- Peflacin
- Colistin
- Gentamicin
- Penicillin
- Nitroimidazol: Metromidazol, Klion, Flagentyl...
1.3 Thuốc lợi mật
Khi có triệu chứng ứ mật ( mật to, vàng da... ) thì không nên dùng:
- Artichaud (chophyton, chè artichaud, cao lỏng,...)
- Sorbitol
- Sulfarlem
2. Thuốc làm tan sỏi
Đó là các acid mật, có tác dụng làm giảm độ bão hòa của cholesterol, làm cholesterol không kết tủa được, làm sỏi nhỏ dần và biến mất.
2.1 Chỉ định
- Chỉ dùng điều trị sỏi túi mật thôi với điều kiện: sỏi nhỏ dưới 1cm, chưa bị calci hoá, chức năng túi mật còn tốt.
- Bệnh nhân không thể mổ, hoặc dứt khoát không muốn mổ.
- Đề phòng tái phát sau mổ.
2.2 Thuốc
- Chenodesoxycholic (Chenodex viên 250mg, Chenar viên 200mg, Chenofalk, Chenolite viên 250mg)
Liều lượng: 12 - 15 mg/kg/ngày, phải dùng liên tục 6 tháng là ít nhất, trung bình 18 - 24 tháng, có khi tới 3 năm. Kết quả 50 - 70% mất sỏi, số còn lại sỏi nhỏ lại.
- Usodesoxycholic (Delursan viên 250mg, Ursolvan viên 200mg, Destolite 150mg...) ít biến chứng hơn.
Liều lượng 8-12 mg/kg/ngày thời gian điều trị cũng phải kéo dài hàng năm. Kết quả 70 - 80%.
Các thuốc trên có thể gây nên biến chứng:
- Ỉa chảy
- Transaminase máu cao.
- Các thuốc làm giảm mỡ máu: Lipavlon, lipanthyl, lopid.Moristerol, Essential...
2.3 Chế độ ăn
Giảm năng lượng: 2000calo/ngày, giảm mỡ máu: Ăn ít mỡ, thay mỡ động vật bằng mỡ thực vật, nên dùng nước suối kiềm, chè nhân trần, artichaud thay cho nước uống.
3. Lấy sỏi qua nội soi
Đây là một phương pháp tốt nhất trong điều trị sỏi mật, được nhiều người bệnh hoan nghênh, nó thay thế hẳn cho một đại phẫu thuật mổ, lại nhanh chóng, rút ngắn ngày điều trị nằm viện, thủ thuật chỉ kéo dài trung bình 60 phút, biến chứng và tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều.
3.1 Chỉ định
- Sỏi ống mật chủ, ống gan. sỏi túi mật hoặc ống túi mật không có chỉ định áp dụng kĩ thuật này.
- Sỏi to, nhỏ, nhiều ít, trong ống mật chủ hay ống gan.
Giun chui đường mật lên quá cao không xuống được nữa. Đối với sán lá gan, về mặt lí thuyết thì có thể lấy sán qua đường nội soi, nhưng trong thực tế chưa ai làm vì còn nhiều vấn đề phải bàn bạc.
- Sỏi tái phát sau mổ.
- Người già không chịu nổi phẫu thuật.
Kết quả 93 - 97% lấy được sỏi.
3.2 Biến chứng
Chảy máu khi cắt cơ tròn, thủng ống mật chủ do cắt cơ tròn quá sâu, viêm tụy, viêm đường mật, trừ biến chứng viêm tụy là hay gặp, còn những biến chứng khác rất ít gặp. Nếu chảy máu thì cầm máu ngay khi đang nội soi và sau đó tiếp tục lấy sỏi, nếu thủng thì phải gửi mổ ngay. Các biến chứng khác tự khỏi sau một vài ngày, kể cả viêm tụy.
Tỉ lệ tử vong chung 0,5 - 1,3%.
4. Phá sỏi trong cơ thể
Có thể tán sỏi trong cơ thể bằng nhiều cách: Siêu âm, thuỷ điện, laser và cơ học.
4.1 Trong khi làm ERCP
Nếu gặp phải trường hợp sỏi quá to, có thể phá sỏi ngay bằng chính cái rọ lấy sỏi, dùng một dụng cụ đặc biệt siết chặt cái rọ lại để làm vỡ viên sỏi ra, sau đó tiếp tục kéo sỏi ra. Nhưng cũng có trường hợp viên sỏi quá cứng không bóp vỡ ra được, thì phải đưa đèn chiếu laser, hoặc một dòng điện vào những tia lửa điện do dòng điện phát ra sẽ làm vỡ những viên sỏi rất cứng đó ra và tiếp tục kéo sỏi ra ngoài. Nếu quá nhiều sỏi mà lấy bằng rọ hoặc bóng hơi không hết được, người ta phải đặt một ống thông dài vào đường mật để truyền dịch vào những ngày sau phá sỏi bằng siêu âm.
4.2 Nội soi đường mật qua gan
Tạo một con đường qua gan vào đường mật, qua đường này đưa một trocat vào đường mật, rồi qua trocat này người ta đưa một đèn soi ống mềm vào đường mật qua đó người ta lại có thể tiến hành phá sỏi bằng thuỷ điện hoặc laser như trên.
5. Phá sỏi ngoài cơ thể
Áp dụng cho sỏi túi mật
Phương pháp này cũng được nhiều bệnh nhân ưa thích vì không phải mổ, ít đau, nhưng có nhược điểm là phải phá nhiều lần, ít nhất cũng là 2 lần với sỏi nhỏ, hàng chục lần với sỏi lớn, sỏi lớn mà cứng quá cũng không phá được sỏi, có thể tái phát.
Nguyên lí của phương pháp là đưa một sóng siêu âm đập vào đúng viên sỏi tạo nên một áp lực rất lớn hàng ngàn atmosphe trên viên sỏi, do đó làm vỡ viên sỏi.
Đối với sỏi đường mật: Có thể đưa sóng siêu âm đập vào ngay sỏi trong gan nhưng có nhiều khó khăn và ít khi phá được. Do đó phải đưa một ống thông vào qua đường nội soi như trên đã mô tả rồi mới dùng sóng siêu âm đập ngoài cơ thể đưa vào đúng chỗ có sỏi.
6. Mổ cắt túi mật qua nội soi
Áp dụng cho sỏi túi mật. Đây là một phương pháp điều trị sỏi túi mật có hiệu quả nhất hiện nay, vì không phải mổ ổ bụng, ít biến chứng và gần như không có di chứng, tỉ lệ tử vong rất thấp so với mổ ổ bụng, nó có ưu điểm hơn phương pháp phá sỏi ngoài cơ thể là triệt để không tái phát.
Về nguyên tắc thì có sỏi túi mật có thể cắt túi mật qua nội soi, nhưng khi nào thì mổ, trường hợp nào thì cắt túi mật qua nội soi, cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.
- Chỉ định:
- Sỏi không triệu chứng: Tuỳ theo số lượng sỏi, kích thước sỏi, tuổi tác mà chỉ định hay không chỉ định.
- Sỏi có triệu chứng: Có chỉ định mổ nội soi.
- Chống chỉ định: Túi mật bị viêm dính nhiều với các tạng lân cận.
7. Phẫu thuật lấy sỏi
Phẫu thuật lấy sỏi túi mật hay đường mật.Khi các biện pháp trên không có kết quả, hoặc không có điều kiện thực hiện các biện pháp điều trị trên đây. Ngày nay, phẫu thuật mổ ở bụng để lấy sỏi ngày càng hạn chế, nhất là sỏi túi mật.
Viết bình luận